Tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, một trong những “thủ phủ” về chăn nuôi lợn, hiện nay lợn nuôi khoảng 140 – 150kg bán với giá chỉ 1,5 triệu đồng/con nhưng không có người mua.
Ông Võ Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội dẫn chứng và cho rằng, giá lợn hơi ở Việt Nam đang thấp nhất thế giới. Trước khó khăn của ngành chăn nuôi, ngày 24/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị "Tìm giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi trong thời gian tới".
Tổ chức ngành hàng chưa tốt
Nếu ở vào thời điểm cùng kỳ năm 2016, giá lợn vẫn ở mức 55.000 đồng/kg hơi nhưng thời điểm này chỉ còn khoảng trên 20.000 đồng/kg. Ông Võ Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết. hiện nay công ty đang thu mua lợn cho người dân với giá cao hơn 2.000 đồng/kg, tức là khoảng 23.000 đồng/kg và giết mổ được khoảng 180 – 200 con/ngày. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, chẳng hạn như Ngọc Lũ (Hà Nam) lợn thịt nuôi quá lứa không xuất bán được, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Lý giải về tình trạng giá lợn xuống tới mức thấp nhất trong nhiều năm qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, có hai nhóm nguyên nhân chính là sự tăng trưởng mạnh của sức sản xuất và tổ chức ngành hàng chăn nuôi chưa hiệu quả.
Về sức sản xuất của ngành chăn nuôi, Tư lệnh của ngành nông nghiệp đánh giá, hiện nay sức cung đang vượt quá cầu. 20 năm qua, sức sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, riêng mặt hàng sữa tăng trưởng 15 lần, thịt tăng 3 lần từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn. Trong một thời gian ngắn, sản xuất đã tăng nhanh như vậy nên đã thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của người dân cũng có sự thay đổi rất nhanh. Nếu như trước đây thịt lợn chiếm tới 65 – 70% thì nay người dân đã chuyển sang dùng cả những thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, trứng… nên đã đè nặng áp lực lên thịt lợn. Trong khi đó hiện cả nước có tới 30 triệu con lợn, trong đó 4,2 triệu con lợn nái.
Mặc dù sản xuất có sự tăng trưởng nhanh, song theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc tổ chức ngành chăn nuôi chưa hiệu quả. Hiện nay, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45% tổng đàn nuôi, còn lại 55% vẫn ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Hiện cả nước có khoảng xấp xỉ 3 triệu hộ nhỏ lẻ tham gia chăn nuôi lợn là nguyên nhân dẫn đến giá thành cao, rất khó kiểm soát theo chuỗi, các khâu đều tách rời dẫn đến khi thị trường có sự cố rủi ro như hiện tại thì rất thiệt thòi cho người sản xuất nhỏ.
Bên cạnh đó, khâu chế biến hiện là khâu yếu nhất trong ngành chăn nuôi. Trong nước hiện mới có một số DN lớn có chế biến sâu còn lại khâu chế biến nhìn về tổng thể là khâu rất yếu. Hầu hết thịt lợn vẫn tiêu thụ theo kiểu truyền thống, tiêu thụ thịt tươi, giết mổ rồi bán. Hơn nữa, khâu tổ chức thị trường, kể cả nội địa và xuất khẩu đều kém, chưa phát triển. “Thị trường tiêu thụ trong nước quy hoạch là vậy nhưng lò giết mổ thực hiện ít, nên mạng lưới phân bổ theo hướng hiện đại chưa làm được, thịt vẫn ít vào siêu thị, trung tâm thương mại chủ yếu vẫn là chợ truyền thống” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu thịt lợn còn ít, mới đi được một số thị trường không lớn như Singapore, Hồng Kông, còn các thị trường chính và lớn thì chưa xâm nhập được. Ngoài ra, sự liên kết giữa những người chăn nuôi trong chuỗi đến hiện tại làm chưa tốt.
Doanh nghiệp vào cuộc
Một điểm đáng chú ý tại hội nghị là Bộ NN&PTNT đã mời một số DN lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi để cùng đóng góp ý kiến tìm ra giải pháp ổn định ngành chăn nuôi. Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng ra thông điệp kêu gọi các DN chung tay giải quyết tình hình trước mắt và lâu dài.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cho hay, hiện công ty đang cố gắng giết mổ, chế biến sâu, thuê thêm kho để cấp đông. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, giá lợn những năm qua tốt, người dân tăng đàn, tăng trọng lượng. Hiện cứ một ngày nguồn cung tăng lên 1% sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường thời gian tới. Ông Tuấn khuyến cáo người chăn nuôi tự loại bỏ chất lượng con giống quá nhỏ, không đạt. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại diện Công ty CP cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm giá con giống và giá thức ăn chăn nuôi thời gian tới.
Đại diện Tập đoàn Dabaco cũng cho biết, DN này đã giảm giá bán thức ăn chăn nuôi tới người chăn nuôi 5 - 7%. Đồng thời từ khi giá lợn xuống sâu thì Tập đoàn đã giảm giá giống và tăng cường thêm biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi về kỹ thuậtm, tạo đàn lợn nái hạt nhân có chất lượng tốt. DN này cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo cho người chăn nuôi và DN nắm rõ nhu cầu thị trường. “Ở cấp địa phương, hầu như bà con nông dân không tiếp cận được thông tin về thị trường” – đại diện Dabaco chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số DN cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra với sản phẩm thịt lợn. Đồng thời siết chặt hơn điều kiện về chăn nuôi bởi với 55% chăn nuôi nhỏ lẻ nên kiểm soát tăng đàn rất khó. Đứng ở góc độ khác, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho hay, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi bình quân 9.000 đồng/kg mà phải 4kg thức ăn mới ra 1kg thịt lợn, trong khi thịt lợn hơi bán ra là 23.000 đồng/kg. Như vậy, mới tính riêng tiền thức ăn chăn nuôi thì nông dân đã lỗ. Do đó, ông Lịch kêu gọi các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong hiệp hội giảm giá thức ăn chăn nuôi cho người nông dân. “Nếu không có người chăn nuôi thì nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng chỉ đống sắt vụn” – ông Lịch chia sẻ.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, giải pháp căn cơ nhất để cứu ngành chăn nuôi hiện nay là tái cơ cấu chăn nuôi lợn theo hướng rà soát để giảm quy mô, tốc độ tăng trưởng đến mức phù hợp nhất, đặc biệt là đàn lợn nái hiện có 4,2 triệu con là quá lớn. Mục tiêu đến 2019 giảm đàn lợn nái xuống còn 3 triệu con, vừa giảm cơ học nhưng phải nâng cao về chất lượng, để hạ giá thành bởi hiện nay giá thành khâu giống đang chiếm 15% chi phí chăn nuôi.
Cùng với đó, tập trung tổ chức lại ngành hàng sản xuất này, đặc biệt là các nông hộ, vì nếu cứ để tồn tại hơn 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như thế này thì còn rủi ro, khó kiểm soát. Theo đó, cần tổ chức sản xuất nông hộ theo mô hình HTX, tổ, đội sản xuất, DN nhỏ để giảm chi phí đầu vào, có kế hoạch đầu ra cũng như kế hoạch quản và liên kết với DN lớn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ở những vùng có điều kiện phát triển vật nuôi khác thì nên chuyển đổi, không nhất thiết phải chăn nuôi lợn. Đồng thời tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo cho các phân khúc thị trường. Liên quan tới vấn đề thị trường, Bộ NN&PTNT định hướng mở thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm thịt lợn, cùng với thị trường cung ứng chuỗi trong nước.
Trước mắt, Bộ NN&PTNT đề nghị các DN và người chăn nuôi giảm ngay yếu tố đầu vào như cám, giống, thuốc thú y trên cơ sở rà soát công tác quản lý. Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, DN phải có trách nhiệm chia sẻ với người chăn nuôi bởi đây cũng là biện pháp nuôi dưỡng bền vững thị trường của DN. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các DN có điều kiện, có dây chuyền chế biến, có kho dự trữ tập trung mua sản phẩm tạm trữ một phần. Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Chính phủ trước mắt chỉ đạo hệ thống ngân hàng, tín dụng có chính sách phù hợp để hỗ trợ cho công tác này. “Đề nghị hiệp hội ngành hàng, các DN lớn trong thời gian sớm nhất có chương trình hành động thiết thực, cụ thể. Chữa cháy thì phải nhanh chứ không để đến lúc tàn mới cứu” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh và cho biết sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ có nhóm giải pháp lâu dài ổn định phát triển chăn nuôi trong nước.
Nguồn tin:Kinhtedothi